Đi bộ
Những lợi ích của đi bộ gồm cải thiện lưu thông máu, giảm tình trạng mất khối lượng xương, hỗ trợ giảm cân, tăng cường cơ bắp, cải thiện giấc ngủ, dung tích phổi... Theo Harvard Health, một người nặng 70 kg đốt cháy khoảng 167 calo sau mỗi 30 phút đi bộ với tốc độ vừa phải, khoảng 6,4 km/h. Đi bộ không yêu cầu quá nhiều phụ kiện hoặc thiết bị như các bộ môn khác.
Chạy bộ
Khi đã quen đi bộ và cảm thấy thoải mái trong 30 phút, bạn có thể bắt đầu chạy bộ. Chạy bộ hiệu quả hơn nhiều so với đi bộ vì nó giúp đốt cháy mỡ bụng, nhất là loại chất béo nội tạng có hại.
Bơi lội
Bơi lội vừa phải giúp tăng nhịp tim, làm săn chắc cơ bắp và tăng cường sức khỏe tổng thể. Bài tập này rất phù hợp với người bị đau khớp. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, tập thể dục dưới nước có thể giúp ích cho người mắc các bệnh mạn tính. Chẳng hạn nó có tác dụng cải thiện khả năng vận động ở các khớp bị ảnh hưởng mà không làm các triệu chứng nặng hơn.
Yoga
Yoga không chỉ là hình thức hoạt động thể chất mà còn đem lại lợi ích về tinh thần như giảm căng thẳng. Ngoài giảm cân và duy trì sức khỏe tổng thể, yoga còn góp phần giữ tâm trí thư giãn, tăng sự tập trung. Điều này góp phần trì hoãn khởi phát bệnh Alzheimer, chống lại sự suy giảm trí nhớ do tuổi tác.
Gập bụng
Tập gập bụng thường xuyên khuyến khích cơ bụng khỏe hơn, giữ vòng eo thon gọn. Phụ nữ chuẩn bị một tấm thảm, thực hiện khoảng 30 phút mỗi ngày trong nhà hoặc ngoài trời. Bài tập gập bụng tác động lên các cơ gần xương chậu, lưng dưới và hông. Bài tập này còn có nhiều phiên bản khác để nâng cao dần dần.
Squat
Squat phù hợp cho người muốn săn chắc vùng đùi, hông và mông. Squat còn có hiệu quả trong cải thiện lưu thông máu, giảm cellulite - tình trạng khiến da trông lồi lõm, xấu xí.
Đạp xe
Đạp xe còn có thể mang lại nhiều lợi ích hơn so với đi bộ. Nó giúp đốt cháy calo, có lợi cho mạch máu, tim, phổi, tăng cơ bắp và giảm các triệu chứng do viêm khớp. Bài tập này cũng ít tác động và phù hợp cho nhiều lứa tuổi.